Hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy” tại Trường ĐH Thành Đông

21/12/2020, 16:14 (GMT+7)

Sáng ngày 19/12/2020, Trường Đại học Thành Đông tổ chức Hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy”. Tham dự Hội thảo có đại diện Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng, trung tâm, viện và toàn bộ giảng viên cơ hữu của Trường.

Hội thảo đã có 19 ý kiến phát biểu và tham luận; các ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung cần đổi mới và các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy.

1. Về nội dung đổi mới phương pháp giảng dạy

Các ý kiến tập trung vào đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, là việc thực hiện các bước để chuyển từ chương trình học tiếp cận nội dung thành tiếp cận năng lực người học. Điều này có nghĩa là thay vì quan tâm đến người học được cái gì thì sẽ quan tâm đến việc người học sẽ vận dụng được những gì thông qua quá trình dạy - học. Để làm được điều này cần thay đổi phương pháp giảng dạy, làm sao cho người học từ thụ động thành người chủ động khai thác kiến thức từ thầy, cô, bạn bè, tài liệu, mạng internet... Cần tạo cho người học thói quen làm việc nhóm, tăng cường tương tác giữa người học với giảng viên, người học với người học.

Đặc trưng cơ bản của đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực gồm 04 vấn đề sau:

- Quá trình dạy học được thể hiện bằng cách tổ chức nhiều hoạt động học tập, giúp SV, HV chủ động khám phá kiến thức chưa biết, thay vì thụ động nạp những kiến thức có sẵn. Giảng viên là người trực tiếp tổ chức hoạt động học tập và hướng dẫn, chỉ đạo SV, HV tìm tòi kiến thức mới, vận dụng kiến thức đã biết một cách sáng tạo để giải quyết tình huống trong học tập và thực tiễn,…

- Rèn luyện cho SV, HV cách khai thác kiến thức có ở giáo trình và tài liệu học tập khác, rèn luyện cách tìm kiếm thông tin và suy luận để tìm ra kiến thức mới,… Đồng thời định hướng cho các SV, HV cách tư duy để từng bước hình thành và phát triển khả năng sáng tạo.

- Chú trọng việc kết hợp giữa học tập cá thể và học tập hợp tác, tăng sự tương tác giữa giảng viên và SV, HV; giữa SV, HV với nhau. Từng SV, HV có cơ hội thể hiện sự hiểu biết của mình.

- Đánh giá kết quả học tập của SV, HV dựa theo mục tiêu của bài học trong suốt quá trình học tập bằng các câu hỏi và bài tập. Đặc biệt, cần hình thành và phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau giữa SV, HV.

2. Về các biện pháp đổi mới phương pháp giảng dạy

Các ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung sau:

- Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực không đồng nghĩa với việc phải loại bỏ đi phương pháp dạy truyền thống như đàm thoại, dạy học thuyết trình hay luyện tập, mà điều cần làm chính là cải tiến chúng, để hạn chế các nhược điểm và nâng cao hiệu quả trong việc giảng dạy. Muốn phương pháp dạy học này mang lại hiệu quả, giảng viên cần phải nắm rõ yêu cầu và sử dụng thành thạo kỹ thuật ở khâu chuẩn bị cho đến việc giảng dạy trên lớp. Ngoài ra, cần nâng cao kỹ thuật đặt câu hỏi, cách xử lý các câu trả lời ở trong đàm thoại …

- Để nâng cao hiệu quả học tập và tăng tính tích cực của SV, HV, việc kết hợp nhiều phương pháp dạy học là biện pháp cần thiết. Bên cạnh dạy học toàn lớp, giảng viên có thể kết hợp, sử dụng phương pháp dạy học cá nhân, dạy học nhóm.

- Dạy học giải quyết vấn đề nhằm phát huy khả năng tư duy, nhận biết và giải quyết vấn đề cho SV, HV. Ngoài các tình huống liên quan đến môn học thì giảng viên có thể lựa chọn tình huống có liên quan tới thực tiễn cuộc sống, để giúp các em hình thành tư duy, lý luận khi đối mặt với các vấn đề cần giải quyết.

- Dạy học theo tình huống được thực hiện dựa trên một chủ đề phức hợp gắn liền với những tình huống diễn ra trong cuộc sống và nghề nghiệp. SV, HV được tạo mọi điều kiện để kiến tạo tri thức cá nhân trong lúc tương tác với xã hội. Chủ đề dạy học bao gồm nội dung liên quan đến các môn học hay đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau hoặc có nguồn gốc từ thực tiễn.

- Dạy học định hướng hành động là cách dạy học có sự kết hợp giữa hoạt động trí não và tay chân. Trong suốt thời gian học tập SV, HV sẽ tiến hành các nhiệm vụ học tập, hoàn thành sản phẩm dưới sự hỗ trợ của hoạt động tư duy và tay chân.

- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực cần có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Dưới sự hỗ trợ của thiết bị dạy học sẽ làm cho bài giảng trở nên thu hút, sinh động, tăng được sự hứng thú của SV, HV. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng có thể gây phản tác dụng, dẫn đến tình trạng ỷ lại vào phương tiện trợ giảng, không thoát ly được bài giảng khiến giảng viên trở thành bị động.

- Kỹ thuật dạy học tích cực chính là cách thức hành động của người trực tiếp giảng dạy và người học trong các tình huống thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Có rất nhiều kỹ thuật dạy học giúp phát huy tính tích cực của người học như “kỹ năng động não, tia chớp, bản đồ tư duy,…”

-Phương pháp dạy học theo đặc thù bộ môn được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận dạy học bộ môn. Ví dụ, nếu là bộ môn thuộc khối ngành sức khoẻ: giảng viên cho sinh viên thực hành trên mô hình, làm các thí nghiệm cụ thể…

- Hình thành thói quen học tích cực có tác dụng rất lớn trong việc phát huy tính tích cực và sáng tạo của SV, HV. Với sự đa dạng về các phương pháp nhận thức như thu thập, xử lý, phân tích thông tin, phương pháp làm việc nhóm,…

- Đổi mới hình thức kiểm tra và đánh giá, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực của SV, HV. Quá trình đánh giá là cách để nắm được SV, HV đã học được cái gì, học như thế nào và vận dụng ra sao. Kết quả của việc đánh giá nên được sử dụng để giúp đỡ SV, HV cải thiện về phương pháp học tập.

                                                                                                                                              PGS,TS. Lê Văn Hùng

Dưới đây là hình ảnh diễn ra trong hội thảo:

Bài viết liên quan

ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN